Trải lòng những ngày về quê

 Lâu rồi mới có dịp trở về quê hương, và chuyến đi này có nhiều thứ khiến mình trăn trở — kiểu suy nghĩ chút thôi chứ không phải là nặng đầu quá.

Đầu tháng 10/2022 bắt đầu với nhiều cơn mưa, chắc phần nào cũng ảnh hưởng từ cơn bão khổng lồ NURU vừa qua quét vào miền Trung, phần nào cũng thể hiện được cái tâm trạng thất thường của mình trong những ngày này. Khi cuộc sống hơi bộn bề và cần lo toan nhiều hơn một chút thì mình cũng phải mang nhiều trách nhiệm hơn, nhiều mối quan tâm hơn, nhiều sự lo lắng hơn về sự nghiệp cho đến tương lai.

Trước đó mình có vào phòng sếp xin phép nghỉ 3 ngày phép với một thái độ khá bẽn lẽn do cuối tháng 9 có xin vắng mặt ba hôm liên tục để đi đám cưới ông anh họ thân thiết, lần này xin thêm trong khi công việc trên cơ quan thì còn nhiều, thành viên trong team nheo nhóc thiếu leader thì cũng không biết làm gì với thời gian ngồi bên máy tính. Nghĩ cũng thấy bất ổn, cơ mà đợt này quan trọng nên mình cũng phải xin gấp để về cho kịp, việc quan trọng mà mình phải quay xe xin gấp vào mấy ngày gần cuối âu chắc cũng do ông bà mách bảo. Sếp đồng ý, mình sắp xếp lại đống công việc và chuẩn bị đồ đạc một ngày sau đó để khăn gói về quê (đồng hành cùng mình là chiếc laptop, lỡ có việc,…).

Sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa không đón mình với một cơn mưa (tạ ơn trời phật). Chuyến đi lần này mình sẽ tham gia làm lễ bốc mộ cho bà nội, cho phần mộ của bà về nằm cạnh phần mộ của ông sau 9 năm trời chia cắt, đồng thời cũng đi viếng bác Mai — người sinh thời cũng thương mình, mỗi lần gặp thì cứ ới vui mình là “thằng Ý Thiên”. Nhớ sao cái thời ông nội chở mình đi lọc cọc trên chiếc xe đạp cà tàng, cầm mấy nghìn lẻ cho mình mua bim bim với cả kem Tràng Tiền, bà nội thì ngồi chễm chệ nhai trầu uống rượu, nấu kẹo đắng rồi ngâm thơ, mình luôn nhớ mãi câu nói chửi yêu “địch mịa mi” của ông bà. À còn câu “địch mịa thằng Ý Thiên” của bác Mai nữa.

Thành phố Thanh Hóa

Lan man một chút về cảm nhận của mình và một chút kỷ niệm đáng nhớ về những tháng ngày thôn quê xa xưa đẹp đẽ. Hiện tại thì mọi thứ cũng thay đổi nhiều, mấy đứa trẻ ngày xưa thì lấy chồng lấy vợ hết rồi (trừ mình, còn tuổi ăn tuổi ngủ tuổi lo sự nghiệp hì hì), đứa nào cũng lo cơm áo gạo tiền nên cũng không dành ra được nhiều thời gian gặp nhau nữa, chưa kể đến nhiều việc không hay cũng xảy ra trong gia đình…

Hôm cuối cùng trong 3 ngày làm lễ cho bà nội, cả nhà tụ tập lại với nhau làm cỗ và đãi bà con họ hàng mừng lễ bốc mộ diễn ra thuận lợi, không có trở ngại gì.
Thực ra câu chuyện ở bàn cỗ dẫn đến việc mình cho ra đời bài blog này cũng khá đơn giản. Trong khi mọi người đang vui vẻ với những câu chuyện trên trời dưới đất, tiện thể đang bàn luận với mấy ông anh về sự nghiệp và tương lai nghề nghiệp thì mình và ông anh có trao đổi đại loại như sau:

- Em đang chờ thế hệ sau em có đứa nào đó học công nghệ thông tin để có người trong họ làm chung nghề, trò chuyện cho vui, hì hì

- Anh nói cho mi biết nhá, không đứa nào làm công nghệ thông tin đâu.

- Sao thế anh?

- Vì làm gì có đứa nào chơi điện tử như mày đâu.

- ...

Từ câu nói này mình nhận ra một điều rằng thế giới quan và nhận thức giữa mình và ông anh quá khác nhau, mình cũng không muốn hơn thua hay chứng tỏ việc gì vào lúc đó nên cũng thôi, im luôn và không nói chuyện về tư tưởng quá nhiều nữa. Lại quay về những câu chuyện phiếm vô thưởng vô phạt...

Kỹ năng ứng biến xã hội không tốt (hoặc ít nói) - bị gắn mác là đần/tồ?

“Mà tôi sợ thằng đấy nó đần đần nên ra ngoài dễ bị dụ dỗ làm những điều không hay.”

Đây là một quan điểm mà mình thấy đặc biệt không thích.

Mình không chắc những người trẻ đón nhận những lời lẽ như vậy thì sẽ cảm thấy như thế nào, nhưng mình hẳn là không dễ chịu chút nào. Bản thân mình, tuy không phải bông tuyết nhưng cũng bị những lời chì chiết ấy giày vò suốt nhiều năm đi học, việc nghi ngờ vào khả năng của bản thân luôn vởn vơ trong tâm trí mình trong những ngày tháng ấy. Phù, nếu mình không vượt qua được thời gian đó thì hiện tại mình đang gia nhập hội “Báo Đời FC” ngoài kia cũng không chừng?

Quay lại về vấn đề quan điểm, việc mạng xã hội và xu hướng thế giới phẳng như hiện nay không thiếu các bài học hoặc chia sẻ nói về việc mỗi người có một thế mạnh và ưu điểm riêng. Việc quá chú tâm đến việc tám chuyện và đồn đại khiến một số người không nhìn ra được chuyện đó và mặc định người nằm trong tầm ngắm của buổi tám chuyện là “đần”, “không được khôn”,…

Kỹ năng xã hội là thứ không thể học trong một sớm một chiều, đặc biệt phải trui rèn qua năm tháng, rút kinh nghiệm và từ đó mới từ từ “khôn” lên. Ấy vậy chứ nhiều ông chú, bà cô ngoài 40-50, kể cả ở Việt Nam ở nước ngoài cũng thiếu khả năng xã hội trầm trọng đấy thôi. Hmm… để cho dẫn chứng cụ thể thì các bạn có thể tìm những video kiểu “bom hàng chửi shipper, cãi cùn với công an giao thông, karen complication,…” là hiểu.

Với mình thì kỹ năng xã hội là cách đối nhân xử thế, cách suy nghĩ thận trọng và thấu đáo để không bị lừa lọc và lợi dụng. Kỹ năng xã hội tuyệt đối không phải là khôn vặt, hạ thấp người khác để cảm thấy mình giỏi hơn, “khôn” hơn, lợi dụng sự tin tưởng và lòng tốt của người khác để trục lợi cá nhân.

=== DÒNG KẾT BÀI NÀY ĐƯỢC VIẾT BẰNG NOTION AI, TÁC GIẢ LƯỜI VIẾT TIẾP ===

Cuối cùng, mình muốn nói rằng, dù chúng ta có sống ở đâu, làm gì hay trải qua những trải nghiệm như thế nào, điều quan trọng là chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau và cố gắng hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra xung quanh. Tất cả mọi người đều có những kỹ năng, tri thức và giá trị riêng biệt. Đừng vội vàng đánh giá người khác chỉ qua một vài cuộc trò chuyện nông cạn. Hãy mở lòng mình và học hỏi từ mọi người xung quanh. Chúng ta cùng nhau tiến bộ và tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.